Khi đi dạy các bạn nhỏ, một điều mà mọi người thường hay nói với nhau rằng “Dạy trẻ mầm non khó lắm, vất vả lắm. Trẻ chẳng tập trung gì cả.”
Khả năng tập trung của trẻ mầm non chưa cao là một câu chuyện có lẽ đã “xưa như Trái Đất” thế nhưng các thầy cô biết không, đằng sau sự không tập trung ấy có rất nhiều nguyên nhân cần được xem xét và đánh giá một cách cẩn thận và nghiêm túc để giúp chúng ta có những giờ học hiệu quả hơn.
1. Không gian lớp học có nhiều thứ hấp dẫn gây xao nhãng
Không gian lớp học là yếu tố nên được xem xét trước hết. Ngoài việc không gian yên tĩnh,
sự xuất hiện của quá nhiều màu sắc, nhiều đồ chơi, giáo cụ bắt mắt trong lớp học gây nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với các bạn nhỏ đang trong lứa tuổi khám phá, tìm tòi, đặc biệt là các bạn lần đầu đến với những lớp học mới.
Lớp học có nhiều cửa kính lớn, trẻ sẽ thấy rất thích thú khi được ngắm nhìn phía bên ngoài lớp học hay chơi trốn tìm sau rèm cửa.
Cách khắc phục trong những trường hợp này là loại bỏ bớt những vật gây xao nhãng, sử dụng giấy dán kính mờ để giảm bớt sự chú ý của trẻ vào không gian xung quanh.
Khi dạy học, giáo viên cần lưu ý sắp xếp giáo cụ thật gọn gàng, show giáo cụ lần lượt theo từng hoạt động để tránh việc trẻ không tập trung vào lời cô nói.
2. Bài học chưa khơi gợi được sự hứng thú: Đây là vấn đề mà rất nhiều giáo viên quan tâm và cũng thường là vấn đề đầu tiên mà các thầy cô hay nghĩ đến khi trẻ chưa tập trung.
Một vài kinh nghiệm mình rút ra khi dạy lứa tuổi này đó là:
Luôn làm mới cách thể hiện nội dung học: Bình mới rượu cũ. Cùng môt nội dung học tập nhưng giáo viên luôn sáng tạo nhiều cách thể hiện khác nhau.
Tổ chức hoạt động học tập với sự tham gia của nhiều học sinh cùng lúc: Trẻ không bao giờ được “nhàn rỗi” mà liên tục được tham gia vào nhiều hoạt động học tập cùng cô và các bạn.
Nhịp độ (Pace) của hoạt động: cần được linh hoạt thay đổi nương theo khả năng đáp ứng của trẻ, nên giữ ở mức vừa phải để trẻ có thể làm được nhưng đôi khi cần tăng tốc để thách thức trẻ hơn.
Cách đưa ra chỉ dẫn: cần hướng dẫn rõ ràng và xác nhận xem trẻ có hiểu chỉ dẫn để thực hiện được hay ko?
3. Nội dung học chưa phù hợp với khả năng của trẻ
Giáo viên cần sự nhạy bén để phát hiện, đánh giá và so sánh khả năng của trẻ so với mục tiêu và nội dung bài học hiện tại. Từ đó, thầy cô mới có thể linh hoạt điều chỉnh và nương theo khả năng của trẻ khi lên nội dung bài giảng. Đặc biệt, đối với các lớp mix trình độ, khả năng khác nhau của mỗi trẻ gây thách thức không lớn với thầy cô. Giáo viên có thể assign học sinh vào nhiều vai trò khác nhau trong cùng hoạt động để trẻ tự tin thể hiện.
4. Tâm trạng và sức khoẻ thể chất không tốt
Các bạn nhỏ đôi khi không tránh khỏi những giây phút mỏi mệt, buồn, giận, dỗi, lo lắng … Khi đến lớp, thầy cô cố gắng tạo bầu không khí tích cực bằng việc tôn trọng trẻ, khen ngợi, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động. Đôi lúc, mình cũng có thể “phá cách” đem đến làn gió mới bằng các trò chơi vận động, bài hát thật vui, ngộ nghĩnh.
5. Thử xem giáo viên có chú ý đến mình hay không?
Điều này có thể hơi hiếm gặp nhưng mình từng chứng kiến có một vài bạn trong lớp học của mình tỏ ra không tập trung như tự ý rời khỏi chỗ, cố ý trả lời sai, từ chối không tham gia hoạt động, … để thu hút sự chú ý của cô giáo.
Lúc đó, mình vừa cứng rắn nhưng vẫn mềm mỏng. Mình nhắc lại quy tắc lớp học, đồng thời thể hiện rõ cô không vui vì những hành động chưa đẹp. Giáo viên có thể dành thêm thời gian tâm sự với các con sau giờ học để trẻ gần gũi và hiểu cô hơn.
Hi vọng bài viết trên có thể phần nào gỡ rối cho các thầy cô khi trẻ chưa tập trung. Chúc các thầy cô có những giờ học thật vui và hiệu quả!
CHIA SẺ CHUYÊN MÔN TỪ CÔ THU GIANG – GIÁO VIÊN HỆ THỐNG BUDDING BEAN.